Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định, việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.
-
Mức phạt tiền trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Đồng thời, Nghị định này cũng quy định việc xác định mức phạt tiền với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, được áp dụng theo nguyên tắc sau:
Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
-
Hình thức tước quyền sử dụng giấy phép
Nghị định cũng quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn được áp dụng như sau:
Cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn đối với nhiều loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề khác nhau, thì áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn riêng biệt đối với từng hành vi vi phạm.
Trường hợp có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn đối với cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng của hành vi có quy định thời hạn tước dài nhất.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng đối với hành vi có thời hạn tước dài nhất.
Trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.
-
Xử phạt đình chỉ hoạt động
Nghị định quy định hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn được áp dụng như sau:
Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn đình chỉ của hành vi có quy định thời hạn đình chỉ dài nhất.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn đình chỉ của hành vi có quy định thời hạn đình chỉ dài nhất.
-
Các hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính
Theo đó, quy định hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt như sau:
1. Cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:
a) Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;
b) Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
c) Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;
d) Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 nêu trên hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
2. Thủ tục nộp tiền phạt:
a) Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức nộp phạt quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt;
b) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch bưu chính công ích đối với trường hợp nộp gián tiếp. Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả;
d) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
3. Trường hợp nộp chậm tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì cơ quan thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt.
4. Quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt; giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt; nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
Thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần không tính là thời gian chậm nộp tiền phạt.
5. Việc thu, nộp, hoàn trả tiền nộp phạt được thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
6. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 nêu trên; cách tính và thực hiện bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch (nếu có) trong trường hợp có quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính.