Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Sự nguy hại của tôm hùm nước ngọt tới môi trường và đa dạng sinh học
Ngày cập nhật 03/07/2019

Tôm hùm nước ngọt (còn có tên gọi trong dân gian là tôm hùm đất), thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Loài này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

 

Đặc điểm nổi bật và dễ nhận dạng nhất của loài tôm hùm nước ngọt là chủy và vùng sau chủy tạo thành hình mũi nhọn, các gai mép bên chủy khá phát triển, rãnh đầu ngực rất hẹp, các chấm màu đỏ xuất hiện ở hai càng, cạnh bên của càng có nhiều bướu nhỏ.

 

  

Nhận diện loài tôm hùm nước ngọt

Tôm hùm nước ngọt có thể sống ở nhiều môi trường nước ngọt như sông, hồ, ao, suối, kênh, mương, và đầm lầy ngập nước theo mùa, có sức chịu đựng và thích nghi với nhiều điều kiện thủy vực khác nhau. Tôm hùm nước ngọt là loài động vật ăn tạp, có khả năng thích nghi cao với môi trường, nhanh chóng thiết lập quần thể ở nơi chúng xuất hiện và cuối cùng trở thành loài chủ chốt của hệ sinh thái. Các tác động của loài đến môi trường và đa dạng sinh học đã được ghi nhận trên thế giới gồm cạnh tranh môi trường sống, truyền bệnh cho các loài tôm bản địa, giảm quần thể thực vật thuỷ sinh, động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh; có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng; có khả năng đào hang gây thiệt hại cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp; có tác động đến ngành đánh bắt cá...  Loài này đã được ghi nhận xâm lấn tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Ai Cập, Uganda, Zambia, Mê hi Cô, Cộng hòa Síp, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Việc du nhập tôm hùm nước ngọt có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong quần xã thực vật và động vật bản địa. 

Để kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt, người dân có thể dùng 03 biện pháp sau: biện pháp cơ học (dùng bẫy, lưới vợt, lưới vây và đánh bắt bằng điện; thoát nước ao nuôi để bắt tận diệt tôm con, chỉnh dòng của các con sông, hoặc xây dựng cơ học hoặc hàng rào điện để hạn chế sự phát tán của loài tôm này...); biện pháp hóa học (sử dụng để kiểm soát tôm bao gồm lân hữu cơ, clo hữu cơ và thuốc trừ sâu tổng hợp pyrethroid); biện pháp kiểm soát sinh học (bao gồm việc sử dụng các động vật ăn thịt cá, sinh vật gây bệnh, và sử dụng các vi sinh vật sản xuất độc tố như vi khuẩn Bacillus thuringiensis var. Israeliensis).

Theo các quy định của pháp luật, việc nhập khẩu, kinh doanh loài tôm hùm nước ngọt là trái với các quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt như sau: các hành vi buôn bán loài tôm hùm nước ngọt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy theo giá trị của tang vật (Điều 10, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013 của Chính phủ); hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 1.000.000.000 tùy theo giá trị tang vật từ dưới 10.000.000 đồng đến dưới 250.000.000 đồng (Khoản 7, Điều 43 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ). 

                                                                                                                                                                                                                              (Nguồn: Phòng Văn hóa thông tin thành phố Huế)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 902.965
Truy cập hiện tại 16